Chỉ vì một vết côn trùng đốt, cháu Bảo An đã bị sốt cao, co giật, khi đưa đến viện đã ở trong tình trạng nhiễm trùng máu, suy nội tạng.
Sốt cao co giật sau 2 ngày bị côn trùng đốt
4 tháng kể từ ngày bị côn trùng đốt vào vành tai, bé Bùi Thị Bảo An (13 tháng tuổi, trú tại thôn Thắng – Quảng Nham – Quảng Xương – Thanh Hóa) giờ đây phải đặt đâu nằm đấy, mặt mũi thẫn thờ như người mất hồn…
Ôm con trong vòng tay, anh Bùi Văn Hướng (sinh năm 1988, bố cháu Bảo An) kể lại, vào khoảng giữa tháng 6/2017, con anh bị côn trùng đốt vào vành tai phía bên phải. Khi con mới bị đốt vợ chồng anh phát hiện ra ngay, nhưng chỉ nghĩ là muỗi đốt rồi sẽ khỏi nên không để ý.
Vết đốt đó sưng lên khoảng nửa ngày thì tai con gái anh Hướng trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, 2 ngày sau bỗng nhiên cháu Bảo Anh sốt cao co giật không thể cắt được cơn, quá sợ hãi hai vợ chồng vội vàng ôm con ra bệnh viện cấp cứu.
“Tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ làm xét nghiệm và chụp chiếu sau đó kết luận con tôi bị nhiễm độc tố từ côn trùng đốt và đã bị nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến não. Vì thế, bác sĩ yêu cầu phải nhập viện lọc máu ngay lập tức”, anh Hướng nói.
Khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm, hai vợ chồng anh Hướng vô cùng bất ngờ vì trong đầu anh chị chưa bao giờ nghĩ chỉ vì một vết đốt nhỏ mà con anh lại bị bất tỉnh như vậy.
Sau 2 tháng điều trị lọc máu tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhiễm trùng máu của cháu Bảo An được chữa khỏi. Tuy nhiên, do biến chứng của chất độc nên não của Bảo An bị teo 2 bên bán cầu, từ đó dẫn đến chân tay co quắp, mất trí giác hoàn toàn… Chỉ duy nhất đôi mắt là còn hấp háy khi nhận ra người thân.
Luôn hy vọng phép màu sẽ đến
Nghe chồng kể lại câu chuyện xảy ra với con mình, chị Đặng Thị Huế (mẹ cháu Bảo An) ngồi bên cạnh vừa bóp chân cho con vừa thút thít khóc.
Chị Huệ cho biết, chị và anh Hướng lấy lấy nhau từ năm 2010, nhưng do hiếm muộn mãi đến giữa năm 2016 mới sinh cháu Bảo An. Từ khi gia đình có tiếng trẻ con, cuộc sống với anh chị trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Thậm chí, vợ chồng chị Huế còn lên những kế hoạch làm ăn dài hơi với mục đích tích cóp tiền bạc để sau này đầu tư cho con ăn học nên người. Vậy mà, những dự định đó chưa kịp thực hiện, con đã phải bất động một chỗ.
“Đã 4 tháng rồi kể từ ngày con nhập viện, trong suốt thời gian đó chúng tôi dừng lại hết mọi công việc để luôn ở bên con. Để mỗi khi con mở mắt ra, luôn thấy bố mẹ ở bệnh cạnh”, chị Huế nói.
Từ khi chuyển ra Hà Nội điều trị bằng y học cổ truyền, cháu Bảo An đã có những chuyển biến tích cực về mặt vận động, chân tay đã mềm hơn, các ngón tay bắt đầu có cảm giác… Những chuyển biến đó dù rất nhỏ nhưng đã mang lại những tia hy vọng lớn lao cho anh Hướng, chị Huế.
Tuy nhiên, để nhận thức được như đứa trẻ bình thường, cách duy nhất đó là phải thực hiện ghép tế bào gốc. Được biết, hiện hai vợ chồng anh Hướng đã làm hồ sơ gửi lên bệnh viện cao hơn với hy vọng cơ hội sẽ đến với con mình.
“Các bác sĩ đã đọc phim và kết quả xét nghiệm của con tôi và nói rằng: Cháu vẫn còn cơ hội, nếu được ghép tế bào gốc. Nghe thấy vậy tôi mừng phát khóc, vì con tôi vẫn còn cơ hội được sống, được làm người”, anh Hướng nói.
Dù biết, việc cấy ghép tế bào gốc đồng nghĩa với 2 vợ chồng phải lo một khoản tiền lớn, nhưng anh Hướng vẫn vô cùng lạc quan: “Tôi sẽ vạy mượn tiền, thậm chí cầm cố nhà lấy tiền chữa cho con. Sau này con khỏi bệnh, tôi về đi biển kiếm cá trả nợ dần”.
Các bác sĩ cho biết, khi bị các loại côn trùng cắn như kiến, nhện, ve, bọ chét, rệp, mò… phản ứng tự nhiên của cơ thể là tình trạng ngứa ngáy dữ dội ở nơi bị cắn, nổi hồng ban và sưng phù, nổi mụn nước, các nốt dạng hạch lympho…
Thông thường các vị trí tổn thương trên sẽ giảm dần và khỏi sau một ngày. Tuy nhiên một số côn trùng có nọc độc nguy hiểm như ong, kiến, nhện… sẽ gây ra sốc phản vệ cho người bị cắn và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt, có những loại côn trùng mang virus Rickettsia (chủ yếu là mò) khi đốt sẽ rất nguy hiểm, gây nên tình trạng nhiễm trùng máu.
Khi nhiễm virus này người bệnh thường có các triệu chứng sốt cao kéo dài, có vết cắn côn trùng (thường ở những vùng da mềm nhạy cảm) bị phồng rộp, loét, viêm hạch…thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Để đề phòng các biến chứng khi bị côn trùng đốt, các bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ sốt cao đột ngột không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt lạ, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sỹ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.