Quan niệm ‘Cho thì có phúc hơn là nhận’, thầy Thịnh cùng các anh chị và con cháu rủ nhau đăng ký hiến toàn bộ tạng.
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh hiện là hiệu trưởng hệ thống một trường quốc tế tại TP HCM. Chia sẻ về quyết định hiến tạng, thầy giáo 54 tuổi kể cách đây 7 năm khi cả gia đình đang ăn cơm thì tình cờ xem trên tivi phát sóng một chương trình tri ân những người hiến tạng cứu sống bệnh nhân. Ngay lúc đó, cả nhà từ người lớn đến trẻ con bắt đầu bàn tán sôi nổi và đi đến quyết định hiến tặng nội tạng của mình sau khi qua đời.
‘Từ nhỏ chúng tôi đã được cha mẹ dạy rằng sống trên đời phải biết cho đi mà không mong nhận lại. Mình may mắn có được đôi mắt sáng, trái tim khỏe mạnh, sau khi chết đi mình không còn sử dụng được những hồng ân ấy nữa, vậy tại sao không chia sẻ cho những người kém may mắn hơn’, thầy Thịnh chia sẻ.
Sau bữa cơm tối hôm ấy, cả thảy 10 người trong gia đình thầy Thịnh đều thống nhất sẽ đi đăng ký hiến tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó cả nhà tìm hiểu kỹ về điều kiện hiến tạng thì chỉ 8 người đủ tiêu chuẩn, còn hai anh chị lớn của thầy Thịnh đều quá tuổi quy định (trên 60 tuổi).
Thầy Thịnh chia sẻ ý định hiến tạng với mẹ, bà cụ rất mực ủng hộ. Từng gánh chịu nỗi đau mất chồng vì bệnh ung thư máu mà không tìm được người cho tủy, người phụ nữ 80 tuổi hiểu rất rõ tầm quan trọng và ý nghĩa cao đẹp của việc các con cháu sắp làm.
Khó khăn lớn nhất của thầy Thịnh là thuyết phục bà xã. Vợ ông quan niệm ‘chết phải toàn thây’ để đầu thai kiếp sau nên không ủng hộ chồng con cho đi bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Ông Thịnh mất một ngày để giải thích cho bà xã hiểu về nguyện vọng của mình.
‘Con người lúc xuôi tay nhắm mắt rồi sẽ chẳng thể mang theo được gì sang thế giới bên kia. Nếu biết trái tim hay quả thận của họ đang có người sử dụng thì xem như người thân mình vẫn tồn tại, sự sống cứ thế được tiếp nối, còn gì hạnh phúc bằng’, thầy Thịnh chia sẻ. Tâm tình của thầy giáo khiến người vợ cảm động và gật đầu ủng hộ quyết định của chồng.
Thầy Thịnh có hai người con, một trai, một gái, đều háo hức cùng bố đi đăng ký hiến tạng. Ba bố con thống nhất chọn một ngày đến Bệnh viện Chợ Rẫy để làm thủ tục đăng ký. Tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, trong đơn đăng ký, ông Thịnh và các con đều tích vào 10 ô tương ứng với 10 bộ phận cơ thể sẽ hiến tặng sau khi qua đời.
Từ ngày đăng ký hiến tạng, ông Thịnh luôn dặn các con mang theo thẻ bên người cùng với chứng minh nhân dân và các giấy tờ tùy thân quan trọng khác. ‘Chẳng may xảy ra chuyện ảnh hưởng đến tính mạng, chiếc thẻ này sẽ giúp đơn vị cấp cứu nhận diện người đã đăng ký hiến tạng. Họ sẽ thông báo cho Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đến tiếp nhận, bảo quản xác và tiến hành lấy tạng để ghép cho người bệnh càng sớm càng tốt’, thầy giáo chia sẻ.
Con gái của thầy Thịnh là em Phạm Nguyễn Như Minh 22 tuổi, học năm thứ tư khoa Dược Trường Đại học Nguyễn Tất Thành rất tự hào với chiếc thẻ đăng ký hiến tạng mang tên mình. Lâu lâu cô gái lại đem ra khoe với mọi người và bảo đó là ‘hàng quý hiếm không phải ai cũng có’. Thầy Thịnh còn dạy các con ý thức ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu, tăng cường tập luyện thể dục để giữ gìn sức khỏe. Thói quen này vừa tốt cho bản thân vừa là việc nên làm để giữ cho các bộ phận cơ thể luôn ở trong trạng thái khỏe mạnh trước khi hiến tặng cho người khác.
Thầy Thịnh còn kêu gọi một số bạn bè và đồng nghiệp hiến mô tạng như nghĩa cử cao đẹp. Thầy hiệu trưởng bộc bạch: ‘Tôi tin nếu tất cả mọi người biết đồng lòng sẻ chia, cho đi mà không mong nhận lại, thì nền đạo đức xã hội sẽ tốt hơn. Càng thêm nhiều người hiến tạng càng gia tăng số bệnh nhân được cứu sống. Như thế cái chết của chúng ta sẽ không phải là dấu chấm hết’.