Trong nhiều năm qua, giá vàng thường bật tăng vào một tuần trước dịp vía Thần Tài rồi giảm mạnh vào chiều mùng 10 tháng Giêng.
Phong tục mua vàng trong ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) trước đây chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ thương nhân, giới kinh doanh tại Sài Gòn nhưng khoảng 5 năm nay lan rộng ra cả phía Bắc, nhất là Hà Nội.
Diễn biến ba năm qua cho thấy, giá vàng SJC thường tăng khá mạnh trong một tuần trước đợt Thần Tài rồi bất ngờ giảm trong ngày mùng 10 tháng Giêng, thậm chí có năm giảm sâu như 2017.
Ngày 6/2/2017, tức ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu, giá vàng SJC mở cửa ở mức 37,15 triệu đồng một lượng mua vào và 37,7 triệu đồng bán ra. Tuy nhiên đến 11h sáng cùng ngày, giá vàng SJC đã giảm 300.000 ở cả 2 chiều. Dù bật trở lại vào đầu giờ chiều khi lực mua tăng lên từ khối công sở, đến 15h cùng ngày giá của kim loại quý này đã xác lập mức đáy chỉ còn 37,3 triệu đồng mỗi lượng.
Câu chuyện giá vàng giảm dần vào cuối ngày vía Thần Tài cũng diễn ra tương tự trong năm 2016.
Tuy nhiên, nếu lùi khung thời gian về trước đó một tuần thì sự vận động của giá vàng SJC lại hoàn toàn khác.
Giá vàng rục rịch tăng từ ngày 1/2/2017 – thời điểm một tuần trước ngày vía Thần Tài. Hai ngày sau đó, kim loại quý này thậm chí còn đạt đỉnh hơn 38 triệu đồng mỗi lượng và chỉ hạ nhiệt vào cách đó một ngày.
Kịch bản này cũng xuất hiện vào năm 2016 khi giá vàng SJC lên 33,8 triệu chiều mua vào và 34,8 triệu mỗi lượng chiều bán ra ngày 13/2 – 4 hôm trước vía Thần Tài. Nhưng chính ngày vía Thần Tài, mỗi lượng vàng SJC còn chưa tới 34 triệu ở chiều mua vào.
Chu kỳ tăng trong một tuần trước đó và chạm đáy vào gần cuối ngày Thần Tài được lặp lại liên tiếp trong các năm gần đây. Kể cả trong năm nay, giá vàng cũng đã tăng mạnh vài trăm nghìn đồng chỉ sau 3 phiên giao dịch đầu tiên của năm Mậu Tuất. Đến hôm nay (24/2 – tức mùng 9 tháng Giêng), giá vàng SJC bán ra đã tiến sát mốc 37,5 triệu đồng.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp vàng thường có xu hướng nới rộng biên độ mua bán trong những ngày này.
Thông thường, mức độ chênh lệch giữa chiều mua vào và bán ra chỉ một, hai trăm nghìn đồng thì vào cao điểm của ngày Thần Tài, khi lực mua lớn, các nhà vàng đẩy lên tới hơn nửa triệu đồng. Như vậy, nếu người dân nào mua vàng và bán lại ngay sau đó đã có thể lỗ tới nửa triệu đồng.
Lực cầu từ người dân thường xuất hiện ngay sau Tết và kéo dài đến sát ngày vía Thần Tài với tâm lý mua vàng đầu năm lấy may.
Bên cạnh đó, trong các ngày Thần Tài, sự chênh lệch giá giữa các loại vàng của những thương hiệu có thể lên tới vài triệu đồng dù ở trên cùng một con phố.
Ngay cả sản phẩm vàng SJC Kim Dậu năm ngoái, mỗi cửa hàng với thiết kế riêng lại có một mức giá khác nhau. Trong ngày Thần Tài, giá vàng thường ít chịu ảnh hưởng bởi thế giới và các doanh nghiệp thường cố gắng đẩy mạnh nhóm sản phẩm mang thương hiệu riêng. Với tâm thế mua vàng vì sự may mắn và mua với lượng nhỏ (nửa đến một chỉ), việc chênh lệch hầu như không tác động đến các quyết định tiêu dùng.