Dù giá 1kg đắt hơn cả 1 chỉ vàng nhưng không ít người giàu, có điều kiện vẫn lùng sục mua về làm gia vị cho món ăn.
Sá sùng (sái sùng) là một loại hải sản (thuộc ngành Sá sùng). Sá sùng là loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát, trong những hang đá, khe cát ở tận dưới đáy biển sâu từ 10 đến 30 m…
Tại Việt Nam, tùy thuộc vào vùng miền mà có những tên gọi dân gian khác nhau như sa sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất, mồi…
Loài hải sản được coi như địa sâm này thường thấy xuất hiện tại các vùng biển Vân Đồn và Móng Cái của Quảng Ninh, Nha Trang, Côn Đảo…
Với những người ‘yếu bóng vía’ thì nhìn loại sá sùng tươi sẽ không khỏi giật mình vì chúng trông giống như một con giun khổng lồ. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 đến 10 cm, cũng có những con có độ dài đến 15–40 cm, đường kính 20 cm, nặng từ 1 đến 3 kg.
Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, da thay đổi màu sắc tùy theo môi trường nó ở, ruột chỉ một đường ống từ đầu đến cuối, không có tim, gan, phổi.
Các ngư dân tại Việt Nam thường khai thác hải sản này vào mùa nước biển xuống, từ tháng 3 cho đến tháng 7. Sau khi đào lên, có thể bán tươi tại chỗ hoặc đem chế biên khô rồi bán.
Đây là một loại hải sản quý, trước đây chỉ dành cho các bậc vua chúa, người giàu có. Nhiều nguồn tin cho biết, sá sùng có lượng đạm khá cao, chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin nên rất tốt cho cơ thể, tăng cường sinh lực.
Đối với y học, đây cũng được coi là một loại dược liệu quý. Do sống trong hang sâu dưới cát nên sá sùng vị mặn, tính lạnh, có công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi và cải thiện công năng tỳ vị
Chính vì vậy, sá sùng thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nóng bốc ở tầng sâu bên trong hay sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm (thường có ở bệnh lao phổi, lao xương khớp); trong ngực bứt rứt buồn bực không yên; ho khạc đờm nhiều do phế hư; tiểu đêm nhiều; răng lợi sưng đau, đặc biết rất tốt cho trẻ con và nam giới…
Với sá sùng tươi, giá bán khoảng 300 nghìn đồng/kg. Còn nếu làm khô, kỹ thuật biến cũng khá phức tạp, trải qua nhiều công đoạn với thời gian sơ chế, làm khô lên đến 2h đồng hồ. Bên cạnh đó, để có được 1kg sá sùng khô thì phải cần đến 10 – 11kg sá sùng tươi. Chính vì vậy nên giá thành phẩm khô khá đắt đỏ tương đương 1 chỉ vàng.
Sá sùng nếu sử dụng tươi thì khi chế biến cần đặc biệt chú ý, bởi nếu không chế biến sạch, khi ăn sẽ còn cát, ăn sạn. Khi rửa, phải rửa nhiều lần, ngay dưới vòi nước mạnh, đến khi có màu trắng ngà mới là sạch. Có thể luộc, xào, hàm thuốc bắc hoặc hần với gà đều ngon, ngọt.
Còn với sá sùng khô cũng được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như sá sùng chiên mắm, sá sùng rán hay nướng để nhấm rượu hay là làm gia vị cho các món ăn.
Tuy nhiên, do giá khá đắt đỏ nên chỉ có những gia đình có điều kiện vẫn mua về sử dụng, làm gia vị dùng thay bột ngọt hay các loại bột nêm. Bởi lẽ, sá sùng có vị ngọt tự nhiên, muốn món ăn ngon, ngọt hơn, người ta cho thêm một vài con sá sùng khô vào món ăn để món ăn thêm đậm đà.