Với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần, số tiền tối thiểu Tập đoàn T&T phải chi ra để trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Lương thực miền Nam không dưới 1.200 tỷ đồng.
Tổng công ty Lương thực miền Nam – Vinafood II vừa cho biết mới nhận được duy nhất hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược từ Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group).
Đầu tháng 2, Vinafood II đã thông báo mời tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Với số vốn điều lệ sau cổ phần hóa dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng, tương đương 500 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), Nhà nước dự kiến nắm giữ lại 255 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ công ty. Hơn 114,8 triệu cổ phần, tương đương 22,97% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư thông thường. Ngoài ra, 125 triệu cổ phần, tương đương 25% vốn sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược. Một phần nhỏ gồm 0,99% vốn điều lệ được bán cho người lao động thường xuyên và 0,04% được bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn tổng công ty.
Với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần, số tiền tối thiểu Tập đoàn T&T phải chi ra để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II sẽ không dưới 1.260 tỷ đồng. Chưa kể tập đoàn này có thể tham gia đấu giá cả 22,97% số vốn được đấu giá công khai.
Vinafood II đưa ra một loạt điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty, như phải là doanh nghiệp có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, trong đó tối thiểu 3 năm hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông sản, lương thực, thực phẩm.
Nhà đầu tư phải có vốn điều lệ không dưới 2.500 tỷ đồng, có lợi nhuận ròng sau thuế 3 năm liên tiếp từ 2014-2016 dương và không lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2016.
Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược cũng phải cam kết thực hiện tái cơ cấu Vinafood II phát triển đúng lĩnh vực nông sản, lương thực, thực phẩm, không chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày trở thành nhà đầu tư…
Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển chỉ đáp ứng được hai trong số ba tiêu chí chính đề ra, nhưng Vinafood II vẫn quyết định chọn là nhà đầu tư chiến lược và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo định giá của CTCP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), giá trị thực tế của Vinafood II tại thời điểm cuối tháng 3/2015 khoảng 14.277 tỷ đồng. Cuối năm 2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị tổng công ty này lần hai, ghi nhận một số điều chỉnh do đánh giá lại khoản đầu tư tài chính dài hạn, chưa xử lý đối với khoản phải trả trước…
Theo định giá từ Kiểm toán Nhà nước, Vinafood II có giá trị khoảng 14.610 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước chiếm trên 5.380 tỷ.
Báo cáo tài chính năm 2016 của công ty mẹ Vinafood II, cho thấy tổng tài sản công ty ước đạt 7.885 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước đó. Đà giảm tài sản chủ yếu đến từ việc tổng công ty đã tất toán hơn 1.500 tỷ đồng vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn trong năm 2016.
Kết quả kinh doanh của Vinafood II cũng đang gặp khó khăn khi doanh thu thuần năm 2016 giảm tới 36%, chỉ đạt 9.951 tỷ đồng, giá vốn giảm tương ứng nhưng công ty chỉ thu về khoản lợi nhuận gộp 1.561 tỷ, giảm hơn 1.000 tỷ so với năm 2015.
Tính đến cuối năm 2016, tổng công ty vẫn đang lỗ ròng 798 tỷ đồng. Đến giữa năm 2017, khoản lỗ lũy kế này tăng lên 912 tỷ đồng, do tiếp tục lỗ ròng 118 tỷ đồng sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2017.